Hội nghị chuyên đề: “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số”

17/11/2023 16:00 Số lượt xem: 37

Sáng ngày 17-11, tại thành phố Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng hơn 200 đại biểu Hội nhà báo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; các liên chi hội, chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội nghị.

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Đảng, hệ thống báo chí tạo ra khí thế sôi nổi, lan tỏa, tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, (trong đó, có công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch). Các cơ quan Báo chí từ Trung ương đến địa phương tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị-kinh tế của đất nước; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi kết luận hội nghị.

Các ý kiến tham luận tại hội nghị xoay quanh vấn đề xác định rõ vai trò xung kích của báo chí, truyền thông trong việc nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chia sẻ hoạt động thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay. Những đặc thù trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của từng đơn vị, địa phương với các yếu tố địa - chính trị khác nhau, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt. Làm rõ các kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh. Những bài học kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trong việc áp dụng thành tựu của công nghệ số nhằm xây dựng chuyên mục và tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá: Hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số” có ý nghĩa quan trọng đối với các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng tới sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, đây là sinh hoạt chính trị - nghiệp vụ bổ ích đối với các cấp Hội, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Đại biểu các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự hội nghị.

Qua các tham luận cho thấy cơ quan báo chí đã chủ động vào cuộc, tích cực tham gia quảng bá các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật tiến bộ của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; kiên cường đấu tranh với các nội dung xấu độc, các quan điểm sai trái trên mạng xã hội; nhận diện, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc”, “xã hội dân sự”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”… để chống Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Qua trao đổi ý kiến của các đại biểu thấy được trách nhiệm, vai trò của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên chi hội, chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương trong việc đoàn kết hội viên, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên bắt kịp với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số; phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ các cơ quan báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.

Đề nghị Ban Chỉ đạo 35 các cấp tăng cường cung cấp các bài viết chuyên đề của đội ngũ chuyên gia để tạo thêm nguồn nội dung thông tin chuyên sâu phục vụ công tác tuyên truyền; Đề nghị BCĐ 35 cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin định kỳ; cung cấp thông tin đột xuất khi xảy ra vụ việc phức tạp, nhạy cảm để báo chí kịp thời có tin bài, làm chủ trận địa thông tin; Đề nghị chú trọng các chương trình, tác phẩm có tính luận chiến, phê phán, bác bỏ từng luận điểm sai trái, thù địch, cung cấp nhiều chương trình thể hiện tính khách quan, tính phản biện, không né tránh những mặt trái, mặt tiêu cực.

Hội Nhà báo Việt Nam chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm hướng dẫn và định hướng nội dung thông tin tuyên truyền, đồng thời gửi kèm theo tài liệu, nhất là đối với các vụ việc quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nước và quốc tế được dư luận xã hội quan tâm.

Tuấn Khanh
Vui lòng nhập nhiều hơn 5 tin để hiển thị!